Ẩn số KiotViet và bàn đạp từ cửa hàng nhỏ

Bằng những cuộc hợp tác chiến lược từ giữa năm ngoái, KiotViet đang tăng tốc chiếm thị phần sau một thời gian chuẩn bị. Ông Đỗ Tuấn Anh, Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Phần mềm Citigo, đơn vị chủ quản phần mềm KiotViet, nhắc tới mục tiêu có được 20.000 cửa hàng trả phí vào cuối năm nay.

Những bước chuẩn bị


Công ty cổ phần Phần mềm Citigo, xuất thân là đơn vị gia công phần mềm cho khách hàng ở thị trường Mỹ, Australia, Singapore từ những năm 2006. Năm 2011, Citigo mới bắt đầu nghiên cứu, phân tích thị trường trong nước. Ông Đỗ Tuấn Anh kể, thời điểm này, Công ty cần xung lực tăng trưởng mới. “Hơn nữa, chúng tôi cũng nhìn nhận tiềm năng lớn từ khách hàng là người Việt Nam”, ông Tuấn Anh cho biết.

Năm 2013, KiotViet ra phiên bản đầu tiên, đó là phần mềm quản lý bán hàng phục vụ khách hàng chủ yếu là các cửa hàng bán lẻ nhỏ và siêu nhỏ. Các cửa hàng tạp hóa, shop thời trang, cửa hàng hàng điện thoại… là những ví dụ.
Ông Đỗ Tuấn Anh - Giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần Phần mềm Citigo


“Nếu so về tính năng của KiotViet với các sản phẩm cùng loại khác trên thị trường, có thể hiểu nôm na chúng tôi là dòng xe phổ thông: đáp ứng được nhu cầu đi lại, chất lượng đảm bảo, dễ sử dụng, thay thế linh, phụ kiện dễ dàng và tiết kiệm chi phí”, ông Tuấn Anh giới thiệu một cách dễ hiểu.

Nhưng cũng chính yếu tố “phổ thông” đã khiến KiotViet trở thành “hàng hot”. Tháng 7/2015, Quỹ đầu tư Seedcom đầu tư chiến lược vào Citigo. Seedcom là quỹ đầu tư do nhóm ông Đinh Anh Huân, thành viên sáng lập của Thegioididong và là cựu giám đốc điều hành của Dienmayxanh. Giá trị thương vụ hiện không được tiết lộ.

Gần đây nhất, tháng 11/2015, KiotViet hợp tác với Intel, Nestlé và rất nhiều đối tác khác để triển khai nhiều chương trình như chuyển giao công nghệ đến các nhà bán lẻ quy mô nhỏ.

Theo thống kê của Kiotviet Citigo, tính đến tháng 2/2016, KiotViet có hơn 7.000 cửa hàng trả phí. Con số này là rất nhỏ so với tiềm năng của thị trường. Theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Nielsen hồi tháng 6/2015, hiện Việt Nam có khoảng 1,3 triệu cửa hàng nhỏ lẻ.

Ông Tuấn Anh chia sẻ, trong thời gian tới, Công ty sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới kinh doanh ở các tỉnh, thành phố, tập trung vào tiếp cận các chủ cửa hàng nhỏ lẻ có mặt bằng kinh doanh và có mong muốn áp dụng công nghệ hiện đại vào quản lý.

“KiotViet sẽ tập trung vào ba tiêu chí cốt lõi đối với khách hàng là hiệu quả, dễ dùng và giá tốt. Chúng tôi đặt kỳ vọng đạt 20.000 cửa hàng trả phí vào cuối năm nay”, ông Tuấn Anh tin tưởng.

Liệu có thành công?


Nhiều câu hỏi đang được đặt ra từ sự chuẩn bị của KiotViet cho kế hoạch năm nay.

Đầu tiên, là hiệu quả từ việc hợp tác với các công ty do Seedcom đầu tư như Haravan, GiaoHangNhanh, IPOS. Vì ngoài KiotViet, Seedcom cũng đã đầu tư vào khá nhiều Công ty trong lĩnh vực bán lẻ và công nghệ như Juno.vn, Tiki.vn, Concung.com, Pizza 4P, Giaohangnhanh, Haravan, IPOS.vn…

Thứ đến, do Seedcom đầu tư khá nhiều công ty, trong đó có cả những công ty cùng lĩnh vực với KiotViet, như IPOS của Công ty cổ phần bán hàng thông minh iPOS chẳng hạn. Liệu có tình trạng dẫm lên chân nhau hay không?

Ngoài ra, vấn đề muôn thuở là bài toán cân bằng chi phí của các công ty cung cấp phần mềm dạng thuê bao (SaaS) như KiotViet, vì khách hàng chỉ cần trả một chi phí hàng tháng để sử dụng dịch vụ trong khi các công ty phải đầu tư rất nhiều vào sản phẩm, hạ tầng.

Cũng phải nói thêm, so với các phần mềm có cùng chức năng khác như Sapo.vn, Nhanh.vn…, mức giá KiotViet rẻ ít nhất là một nửa. Công ty còn miễn phí nhiều dịch vụ khác để hỗ trợ khách hàng như tổng đài điện thoại. Bài toán lợi nhuận của Kiot-Viet sẽ như thế nào?

Ông Tuấn Anh cho biết, việc hợp tác với các công ty được Seedcom đầu tư vẫn ở giai đoạn khởi đầu và bắt đầu có nhiều tín hiệu tốt. “Không có chuyện dẫm lên chân nhau giữa IPOS và KiotViet, vì IPOS chuyên về khách hàng là các nhà hàng lớn, trong khi KiotViet tập trung vào shop bán lẻ, hộ kinh doanh gia đình. Thậm chí, cả hai hiện đang hỗ trợ lẫn nhau khá tốt”, ông Tuấn Anh phân tích.

Ngoài ra, Công ty mở rộng hợp tác với các doanh nghiệp không chỉ trong hệ sinh thái Seedcom, nếu doanh nghiệp đó có dịch vụ và sản phẩm tốt mang lại giá trị cho khách hàng của KiotViet.

Kế đến là giải bài toán lợi nhuận. Theo cách nhìn nhận của ông Tuấn Anh, lĩnh vực cung cấp phần mềm như dịch vụ mà KiotViet đang theo đuổi hoàn toàn khác với các công ty cung cấp phần mềm truyền thống khác, chi phí sẽ được cắt giảm và có lợi nhuận khi đạt một ngưỡng khách hàng nhất định.

Theo kế hoạch năm 2016, Công ty sẽ sử dụng 30% doanh thu để tái đầu tư vào nghiên cứu, phát triển sản phẩm (R&D) nhằm mang tới sản phẩm ngày càng hoàn thiện, tiện dụng cho các nhà bán lẻ, từ đó kéo theo cắt giảm thời gian và chi phí bán hàng. Đồng thời, Công ty cũng tập trung hoàn thiện quy trình để hoạt động hiệu quả hơn, ở đó mọi bộ phận sẽ được vận hành trơn tru và qua đó cắt giảm chi phí của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Seedcom với các thành viên sáng lập là những người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bán lẻ, sẽ giúp sản phẩm của KiotViet ngày càng gần với thực tế hơn với chi phí đầu tư thấp nhất.

Một yếu tố khác khiến Kiot-Viet khá tự tin với kế hoạch đề ra vì thị trường đang trong giai đoạn chín muồi. Ông Tuấn Anh cho biết, số lượng khách hàng đăng ký giai đoạn cuối năm 2015, đầu năm 2016 tăng đột biến so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân, theo ông Tuấn Anh, các nhà bán lẻ trong nước nhận thấy sức ép từ các doanh nghiệp nước ngoài khi thị trường Việt Nam ngày càng mở cửa. Họ cần hệ thống quản lý chuyên nghiệp hơn là cách quản lý giấy tờ như trước.

Theo nghiên cứu của các công ty nghiên cứu thị trường, với cách thức truyền thống, các nhà bán lẻ chịu thất thoát 7-12% doanh thu hàng tháng do không kiểm soát tốt hàng hóa, chi phí.

“Hiện KiotViet vẫn đang trong quá trình đầu tư và đang đạt được những kết quả thuận lợi theo đúng mục tiêu đã đặt ra”, ông Tuấn Anh nói.

Công Sang

Link gốc https://baodautu.vn/an-so-kiotviet-va-ban-dap-tu-cua-hang-nho-d41137.html