Nhà Hàng Tính Giá Vốn Cogs Như Thế Nào Cho Đúng?
Việc tính toán giá vốn hàng bán rất phức tạp nhưng lại là yếu tố vô cùng quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của một nhà hàng. Thêm vào đó, trong tình hình thị trường đầy biến động và các chi phí không ngừng tăng cao như hiện nay thì theo dõi giá vốn hàng bán càng trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Chính vì thế mà bạn cần có phương pháp tính toán phù hợp để có thể xác định được lợi nhuận chung cho nhà hàng cũng như lợi nhuận chi tiết của từng dịch vụ và các món trên thực đơn.
Công thức tính giá cost |
Giá vốn hàng bán của nhà hàng là gì?
Giá vốn hàng bán hay còn gọi là COGS (Cost of Goods Sold) chính là chi phí của tất cả nguyên liệu mà nhà hàng sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, bao gồm chi phí nguyên liệu cho thức ăn và đồ uống, nhưng không bao gồm chi phí nhân công hay điện nước. Có thể tính toán chính xác giá vốn hàng bán của nhà hàng sẽ cho phép bạn xây dựng chiến lược kinh doanh hiệu quả, tiết kiệm chi phí vận hành cũng như giảm thiểu lãng phí thực phẩm mà vẫn bắt kịp được xu hướng phát triển của thị trường. Giá vốn hàng bán sẽ được thể hiện trên báo cáo tài chính sau khi đã trừ vào tổng doanh thu để xác định lợi nhuận gộp cuối cùng của nhà hàng.
COGS thể hiện điều gì về nhà hàng của bạn?
COGS cho biết tổng chi phí bạn đang sử dụng để tạo ra tất cả sản phẩm mà nhà hàng đang kinh doanh. Giá vốn hàng bán sẽ không cố định hoàn toàn và có thể chênh lệch khác nhau giữa các nhà hàng tùy thuộc vào quy mô hay loại dịch vụ mà họ đang kinh doanh. Chẳng hạn như nếu so sánh giữa một nhà hàng ăn uống cao cấp và một nhà hàng thức ăn nhanh, thì chắc chắn nhà hàng ăn uống cao cấp thường sẽ có giá vốn hàng bán cao vì họ phải sử dụng nguyên liệu có chất lượng tốt và đắt tiền hơn.
Do vậy, giá vốn hàng bán cao không có nghĩa là bạn đang kinh doanh không hiệu quả mà còn phải xem xét đến rất nhiều yếu tố khác, trong đó bao gồm cả tổng doanh thu và lợi nhuận có được. Cụ thể, nếu như giá vốn hàng bán vượt quá tổng doanh thu cho thấy hoạt động kinh doanh của bạn không có lợi nhuận và cần phải điều chỉnh lại chiến lược của mình. Ngược lại, nếu tỷ lệ giá vốn hàng bán thấp hơn tổng doanh thu cho thấy bạn đang kinh doanh tốt khi chỉ phải tiêu tốn cho đầu ra ít để thu được đầu vào nhiều hơn.
Thông thường, con số giá vốn hàng bán trung bình tốt được nhiều nhà hàng áp dụng sẽ rơi vào khoảng thấp hơn hoặc bằng 31% tổng doanh thu. Bạn có thể theo dõi giá vốn hàng bán và tỷ lệ giá vốn hàng bán theo thời gian để xác định được xu hướng cũng như cân nhắc liệu mình đã kiểm soát hiệu quả chi phí của mình hay chưa. Ví dụ, nếu giá vốn hàng bán liên tục tăng trong ba tháng nhưng doanh thu vẫn không đổi là dấu hiệu cho thấy bạn đang gặp vấn đề, nguyên do có thể từ việc nhà cung ứng tăng nhập hàng nhưng bạn không tăng giá bán, hoặc lượng chất thải thực phẩm trong nhà bếp ngày càng cao,…
Cách tính giá vốn hàng bán
Công thức tính giá vốn hàng bán đơn giản và cho kết quả chính xác nhất là:
Hàng tồn kho đầu kỳ + Hàng tồn kho đã mua – Hàng tồn kho cuối kỳ = Giá vốn hàng bán (COGS)
Ví dụ, bạn muốn biết rõ hơn về tình hình hàng tồn kho của mình trong tháng trước, hiện tại bạn đang có 3.000.000 (VNĐ) hàng tồn kho đầu kỳ, bao gồm thực phẩm, đồ uống, gia vị và các loại nguyên liệu khác, sau đó, trong suốt tháng bạn đã mua thêm 8.000.000 (VNĐ) hàng tồn kho, và kiểm kê hàng tồn kho cuối kỳ còn 2.000.000 (VNĐ). Như vậy, theo công thức trên thì chúng ta sẽ có được kết quả:
Hàng tồn kho đầu kỳ: 3.000.000
Hàng tồn kho đã mua: 8.000.000
Hàng tồn kho cuối kỳ: 2.000.000
Giá vốn hàng bán = 3.000.000 + 8.000.000 – 2.000.000 = 9.000.000
Trong ví dụ này, giá vốn hàng bán hay còn gọi là khoản chi phí dành cho việc mua nguyên liệu thực phẩm để phục vụ cho nhà hàng của bạn trong một tháng tổng cộng là 9.000.000 (VNĐ).
Làm thể nào để giảm giá vốn hàng bán?
Giá vốn hàng bán càng nhỏ hơn so với tổng doanh thu càng cho thấy nhà hàng của bạn càng đạt mức lớn nhuận lớn hơn. Đó là lý do vì sao bạn phải tìm kiếm giải pháp làm sao có thể tối ưu hoá giá vốn hàng bán của mình. Sẽ có rất nhiều cách hữu hiệu để bạn giảm được giá vốn hàng bán, chẳng hạn như sử dụng phần mềm theo dõi tình hình hàng tồn kho, mua nguyên vật liệu với số lượng lớn để được nhà cung ứng ưu đãi với mức giá lý tưởng hơn, mua hàng theo giá sỉ, thường xuyên kiểm kê hàng tồn kho để hạn chế thất thoát hoặc lãng phí, và sử dụng các món ăn mang nét đặc trưng của nhà hàng (signature) hay thực đơn theo mùa để giữ kho hàng của mình luôn được tối ưu.
Đặc biệt, việc thường xuyên theo dõi và quản lý chặt chẽ hàng tồn kho sẽ là cách tốt nhất để bạn có thể giảm giá vốn hàng bán của mình. Thông qua việc phân chia khẩu phần ăn phục vụ cho khách hàng hợp lý, có quy trình hạn chế lãng phí thực phẩm rõ ràng, và giám sát chi tiết tình hình của hàng tồn kho sẽ giúp bạn đảm bảo chất lượng thực phẩm luôn đạt tiêu chuẩn tươi ngon, tiết kiệm ngân sách và duy trì nhà bếp hoạt động hiệu quả hơn. Tuy nhiên, hãy luôn nhớ rằng không phải lúc nào giá vốn hàng bán thấp cũng là dấu hiệu cho thấy bạn đang kinh doanh hiệu quả, thay vào đó là báo động cho thấy bạn đang không bán được bất kỳ món nào hoặc bán được quá ít.
Giá vốn hàng bán là một trong những yếu tố vô cùng quan trọng với hoạt động kinh doanh của một nhà hàng. Dựa vào những dữ liệu có được về tỷ lệ tăng – giảm của giá vốn hàng bán sẽ cho bạn biết được tình hình kinh doanh của mình, thông qua đó định giá sản phẩm và điều chỉnh menu hoặc xây dựng chiến lược phát triển phù hợp để đảm bảo hoạt động có được lợi nhuận tốt nhất. Luôn giữ được giá vốn hàng bán trong mức ổn định nhất có thể.
Theo FnbVietnam