Top 20 Nguyên Nhân Phổ Biến Làm Khởi Nghiệp Thất Bại
Khởi nghiệp thất bại là điều chẳng ai mong muốn. Để giảm thiểu tối đa rủi ro và startup thành công, bạn cần nghiêm túc nghiên cứu các nguyên nhân dẫn đến thất bại nếu không muốn thất bại mãi mãi.
Bằng việc “khám nghiệm tử thi” hàng vạn startup thất bại, bài viết này đúc kết ra 20 nguyên nhân chính khiến khởi nghiệp thất bại, bao gồm việc thiếu nghiên cứu thị trường cho tới bất đồng ý kiến nội bộ.
Top 20 nguyên nhân khiến khởi nghiệp thất bại |
#20. Thất bại trong việc thay đổi chiến lược khi cần thiết
Khi nhận ra chiến lược cũ không còn phù hợp nữa và tìm được một chiến lược mới phù hợp hơn, công ty phải theo đuổi và thực thi chiến lược mới một cách táo bạo và quyết đoán. Điều này đặc biệt khó thực hiện khi công ty đã đi được hơn nửa đoạn đường với chiến lược sai lầm cũ, chưa kể tới việc mỗi ngày trôi qua toàn bộ đội ngũ đều bị ức chế với việc dậm chân tại chỗ. Nếu không có thái độ quyết đoán, dẹp bỏ ức chế và dồn sức tập trung cao độ cho chiến lược mới, thì mỗi ngày trôi qua sẽ là một bước tiến gần tới thất bại hơn.
#19. Kiệt sức
Có nhiều trường hợp CEO không thể cân bằng giữa công việc và cuộc sống riêng dẫn đến trạng thái kiệt sức. Khi kiệt sức, con người đánh mất hy vọng và khả năng sáng tạo xoay chuyển tình thế. Để tránh được rủi ro này, công ty phải xây dựng được một đội ngũ vững chắc, chuyên môn đa dạng và hành động có định hướng để chia sẻ trách nhiệm. Việc duy trì được khả năng ra quyết định của công ty trong bất kỳ tình huống nào là mấu chốt đi tới thành công.
#18. Không biết tận dụng các mối quan hệ
Một sai lầm thường gặp ở các công ty khởi nghiệp là luôn cố gắng tự mình làm mọi thứ và hiểu mọi thứ thay vì tìm kiếm sự giúp đỡ. Nếu công ty khởi nghiệp có các mối quan hệ với các nhà đầu tư hoặc các nhà cố vấn, các công ty phải tận dụng các mối quan hệ này, hỏi thẳng xin trợ giúp và để họ tham gia vào ngay từ đầu.
#17. Các vấn đề pháp lý
Đôi khi chỉ từ một ý tưởng đơn giản ban đầu, công ty khởi nghiệp phát triển và tiến hoá nó thành một hệ thống phức tạp có liên quan tới các quy định pháp lý. Đây có thể là nguyên nhân chính dẫn tới việc đóng cửa công ty ngay lập tức.
#16. Không hấp dẫn các nhà đầu tư
Đây cũng là nguyên nhân dẫn tới việc cạn vốn. Phần lớn các công ty khởi nghiệp không tìm được nhà đầu tư từ giai đoạn đầu hoặc bất cứ giai đoạn nào.
#15. Cách biệt về địa lý
Vị trí địa lý là một nguyên nhân dẫn tới thất bại theo nhiều cách khác nhau.
Đầu tiên là sự phù hợp của ý tưởng với vị trí địa lý. Một sản phẩm đưa ra thị trường ở một thành phố phía Nam. Mọi thứ diễn ra tốt đẹp, sản phẩm có hàng trăm người dùng ở thành phố này, xuất hiện trên hàng loạt mặt báo. Vấn đề chỉ thực sự phát sinh khi công ty cố gắng đưa sản phẩm sang một thành phố phía Bắc. Có hàng trăm người dùng ở phía Nam không có nghĩa là sẽ đảm bảo có được dù chỉ vài người dùng ở phía Bắc. Đơn giản chỉ là sản phẩm không thể vượt ra khỏi cách biệt về địa lý để thành công.
Cách biệt địa lý cũng là một nguyên nhân thất bại vì các nhóm nhân viên của công ty khởi nghiệp làm việc từ xa. Nếu công ty không tìm được cách thức trao đổi thông tin hiệu quả, sự rời rạc và không có kế hoạch chắc chắn dẫn tới thất bại. Quản lý các nhóm từ xa luôn mang lại nhiều vấn đề nhức đầu cho các công ty khởi nghiệp: bảng lương, trợ cấp thất nghiệp, bảo hiểm v.v…
#14. Thiếu đam mê và am hiểu về ngành đang làm
9% trong số các công ty kể trên đã thất bại vì thiếu sự đam mê và am hiểu về ngành đang làm mặc dù đang sở hữu ý tưởng cực tốt.
#13. Thay đổi chiến lược thất bại
Thay đổi chiến lược có thể xoay chuyển tình thế hoặc là sự khởi đầu cho sai lầm tiếp theo. Thay đổi chiến lược để cho có thay đổi là vô tác dụng. Thay đổi phải được tính toán kỹ lưỡng, các thay đổi về mô hình kinh doanh được tiến hành, các giả thuyết được kiểm chứng, kết quả được tổng hợp và đo lường. Không có các bước này, công ty sẽ không học được gì từ việc thay đổi chiến lược.
#12. Bất đồng ý kiến nội bộ/ nhà đầu tư
Bất đồng ý kiến nội bộ giữa các nhà sáng lập là một vấn đề tai hại của các công ty khởi nghiệp thất bại. Nhưng bất đồng ý kiến thậm chí còn tệ hại hơn nếu có nhà đầu tư chen vào, mọi việc diễn biến xấu đi nhanh hơn nhiều. Các nhà đầu tư tham gia, nếu không tỉnh táo khi đặt bút ký cam kết, công ty sẽ mất dần sự kiểm soát. Khi có bất đồng giữa những nhà sáng lập gốc và những nhà đầu tư, giải pháp thông thường của các nhà đầu tư là sẽ tìm người điều hành từ bên ngoài (thường do nhà đầu tư đề nghị). Chiến lược của người điều hành mới nếu đi ngược với chiến lược của công ty và nguy hại tới tầm nhìn của công ty thì sẽ là bước đầu tiên đặt dấu chấm hết cho công ty.
#11. Đánh mất sự tập trung
13% trong số các công ty nói trên đã thất bại vì đánh mất sự tập trung để từ các nguyên nhân: bị xao nhãng bởi các dự án khác, bị xao nhãng bởi các vấn đề cá nhân, mất định hướng nói chung.
#10. Đưa sản phẩm ra thị trường sai thời điểm
Nếu công ty đưa sản phẩm ra thị trường quá sớm và gây ấn tượng xấu, người dùng đánh giá tệ về sản phẩm, công ty khó có thể kéo những người dùng này lại vì ấn tượng tiêu cực ban đầu. Ngược lại, nếu đưa sản phẩm ra thị trường chậm, công ty có thể đánh mất cơ hội thị trường.
#9. Thiếu linh hoạt và không chủ động thu thập ý kiến người dùng
Bỏ mặc người dùng là một việc làm hoàn toàn đúng đắn nếu doanh nghiệp muốn thất bại. Tự mình đào một đường hầm rồi đi xuyên qua và bỏ ngoài tai ý kiến của người khác lúc nào cũng dễ hơn là lắng nghe nhiều ý kiến. Tuy nhiên đây lại là sai lầm tai hại dẫn tới thất bại. Dành thời gian đáng kể để xây dựng sản phẩm công ty cho là tốt nhưng lại bỏ quên việc thu thập ý kiến của người dùng cho sản phẩm, nhiều công ty đang quên mất đối tượng phục vụ cuối cùng là người dùng và sản phẩm phải đáp ứng nhu cầu của người dùng
#8. Tiếp thị yếu kém
Nắm bắt tâm lý người dùng mục tiêu, gây sự chú ý cho người dùng mục tiêu, biến người dùng mục tiêu thành người dùng tiềm năng và người dùng thực sự là những kỹ năng sống còn của một công ty thành công. Kỹ năng tiếp thị hạn chế thường bắt gặp ở những nhà sáng lập thích việc lập trình xây dựng sản phẩm hơn là việc quảng bá sản phẩm.
#7. Thiếu mô hình kinh doanh
Các nhà khởi nghiệp thất bại đều đồng ý rằng mô hình kinh doanh là cực kỳ quan trọng. Việc thiếu mô hình kinh doanh khiến công ty khổ sở với việc tiếp tục ở lại gắn bó với một kênh kiếm tiền duy nhất hay loay hoay tìm cách mở rộng kênh kiếm tiền. Trong khi đó, các nhà đầu tư thì do dự, còn các nhà sáng lập thì chưa thể chuyển hoá người dùng thành doanh thu.
#6. Sản phẩm tệ
Việc tệ hại nhất là công ty bỏ qua nhu cầu và mong muốn của người dùng vô tình hay cố ý. Một điều hiển nhiên là với sản phẩm làm ra, khi ngay cả chính những người tạo ra nó còn không cảm thấy thân thiện khi sử dụng, người dùng chắc chắn sẽ không sử dụng được.
#5. Giá cả/ Chi phí
Khó khăn lớn nhất của việc định giá một sản phẩm chính là xác định mức giá không quá cao hoặc quá thấp để thu lợi trên bối cảnh chi phí cụ thể của một công ty. Các thang bậc giá đưa ra không phù hợp với mục đích sử dụng của người dùng chỉ khiến người dùng trở nên thận trọng hơn trong việc sử dụng sản phẩm, thậm chí có thể khiến người dùng quay lưng lại với sản phẩm.
#4. Bị đối thủ cạnh tranh bỏ xa
Một khi ý tưởng khởi nghiệp trở thành đề tài nóng hổi và trở thành một nhu cầu của thị trường, thì ngay lập tức có hàng loạt ứng viên tiềm năng tham gia vào cuộc đua. Dù được khuyên là quan tâm tới cạnh tranh từ các giai đoạn sớm là không lành mạnh cho công ty khởi nghiệp, nhưng việc cố tình lờ đi các đối thủ cạnh tranh trong trường hợp này lại chính là công thức đưa tới thất bại.
#3. Đội ngũ không phù hợp
Một đội ngũ đa dạng với nhiều kỹ năng phù hợp chính là yếu tố quyết định thành công của việc khởi nghiệp. Một công ty khởi nghiệp cần có một kiến trúc sư trưởng tài năng, một nhà sáng lập có đầu óc kinh doanh nhạy bén. Nếu đội ngũ sáng lập không thể biến ý tưởng thành sản phẩm cơ bản có giá trị thì đội ngũ này không phù hợp để khởi nghiệp.
Một nguyên nhân khác là đội ngũ sáng lập thiếu sự kiểm chứng và cân bằng. Khi thuyền trưởng ra các quyết định về kinh doanh hoặc kỹ thuật, công ty khởi nghiệp cần phải có một người đối chất/ kiểm chứng để cân bằng các quyết định này, cung cấp các góc nhìn đa chiều cho việc ra quyết định.
#2. Cạn vốn
Tiền bạc và thời gian là hai thứ có hạn và bắt buộc phải được phân bổ khôn ngoan. Làm thế nào để tiêu tiền hiệu quả thường xuyên là một câu hỏi hóc búa và nguyên nhân dẫn tới thất bại của công ty khởi nghiệp.
#1. Sản phẩm tuyệt vời nhưng không đúng nhu cầu của thị trường
Nguyên nhân chính dẫn tới thất bại chính là các công ty khởi nghiệp chăm chăm tìm các vấn đề thú vị để giải quyết theo suy nghĩ chủ quan của mình mà bỏ qua nhu cầu thực tế của thị trường. Kết quả là, dù sản phẩm có đem đến những công nghệ tuyệt vời, được lãnh đạo bởi những nhà lãnh đạo có tên tuổi nhưng vẫn không có khách hàng nào sử dụng sản phẩm công ty đưa ra, đơn giản là vì họ không cần. Bác sĩ cần bệnh nhân hơn là cần một văn phòng đẹp.
Đọc thêm:
Nguồn: CB Insights